Lượt xem: 201

Hơn 5.000 ha lúa Đông Xuân đổ ngã do mưa trái mùa

Mặc dù đã an toàn vượt qua hạn, mặn mùa khô năm nay, nhưng trà lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khi có hàng nghìn diện tích lúa bị đổ ngã do mưa trái mùa xuất hiện kèm theo gió mạnh trong tuần qua. Diện tích đổ ngã chủ yếu xảy ra trên trà lúa đang trong giai đoạn trổ chín. Vì vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang khẩn trương phối hợp cùng các địa phương bị ảnh hưởng hỗ trợ nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm hạn chế thấp nhất thất thoát về năng suất.

 


Ngành chức năng khảo sát diện tích lúa Đông Xuân bị đổ ngã

 

    Nếu không xảy ra tình trạng đổ ngã, nông dân huyện Mỹ Tú sẽ có được một vụ lúa Đông Xuân cơ bản thắng lợi khi năng suất lúa đạt từ 6,8 đến 7 tấn mỗi ha. Tuy nhiên, đợt mưa trái mùa với lưu lượng lớn từ hơn một tuần trước khiến gần 900 ha diện tích lúa đang trong giai đoạn thu hoạch bị ảnh hưởng đáng kể về năng suất, diện tích thiệt hại đã ghi nhận được là 511 ha, tập trung nhiều tại những xã thuộc khu vực vùng trũng của huyện, như: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng và Hưng Phú. Nông dân Văn Công Nhân ở ấp Mỹ Hoà, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cho biết: “Mọi năm giờ này đâu có mưa như vậy. Tôi trồng 15 công tầm lớn giờ thiệt hại khoảng phân nửa. Nếu năm rồi mỗi công đạt 1 tấn thì năm nay chỉ được khoảng 400-500 kg”.

    “Lúa ngã, ruộng lầy” cũng là hình ảnh ghi nhận được tại một số khu vực canh tác lúa tại huyện Châu Thành. “Xót lúa”, nhiều bà con tranh thủ cắt lúa bằng tay để vừa bảo toàn năng suất, vừa “chạy đua” với diễn biến thời tiết nhiều bất thường. Quan trọng hơn là tiết kiệm được phần nào chi phí, khi tiền thuê mướn nhân công cắt lúa hiện đã lên đến 900.000 đồng/công. Riêng việc thuê máy cắt cũng đã cao hơn trung bình hằng năm khoảng 100.000 đồng mỗi công, tùy thuộc vào mức độ đổ ngã. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành hiện cũng đã tập trung huy động khoảng 140 máy cắt để hỗ trợ nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Tuy vậy, lúa sập, chân đất lún khiến tiến độ thu hoạch có phần chậm hơn.

    Đồng chí Nguyễn Văn Hận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành thông tin: “Năm trước công máy khoảng 280.000 hoặc 300.000 đồng/công lúa, năm nay lên 350.000 đến 400.000 đồng. Có nơi lúa sập nhiều, công cắt máy lên khoảng 500.000 đồng. Toàn huyện có trên 200 ha lúa đổ ngã do mưa trái mùa, cục bộ từ 10 đến 30%. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương, kêu gọi các máy cắt ở những vùng lân cận để tiếp tục hỗ trợ thu hoạch lúa cho bà con nông dân. Đến thời điểm này, diện tích lúa đổ ngã đã được thu hoạch là trên 50%, chỉ còn lại một số diện tích có mức độ đổ ngã nhẹ”.

    Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích lúa Đông Xuân bị đổ ngã do đợt mưa trái mùa vừa qua là 5.300 ha, tập trung tại các huyện: Mỹ Tú, Châu Thành và Kế Sách. Đến nay, nhiều diện tích cũng đã được tiến hành thu hoạch. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần khẩn trương thực hiện giải pháp rút nước ở 926 ha còn lại, cả ở phần diện tích lúa đạt độ chín tương đối, nhằm hạn chế thất thoát. Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp với Chi cục thủy lợi tiến hành xả cống tháo nước. Khuyến cáo bà con nông dân cũng như các địa phương tiến hành bơm nước ra bằng các phương tiện sẵn có tại địa phương mình. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều đợt mưa trái mùa, nên chúng tôi cũng khuyến cáo bà con trong điều kiện có thể liên hệ được với các chủ máy thì bà con cần khẩn trương thu hoạch để tránh bị ảnh hưởng”.

    Phòng hạn ngay trong mùa mưa và đề phòng mưa lũ ngay trong mùa khô, đã là cách mà con người phải tập thích ứng trước diễn biến cực đoan của thời tiết, khí hậu. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đã được ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con nông dân cần thường xuyên quan tâm theo dõi dự báo tình hình thời tiết, thủy văn để có sự chủ động tốt hơn trong quá trình lao động sản xuất nhằm hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn về hiệu quả kinh tế sau mỗi mùa vụ.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 11435
  • Trong tuần: 78,755
  • Tất cả: 11,862,944